Hỏi: Cha mẹ chúng tôi có làm di chúc để lại cho chúng tôi một căn nhà tại Việt Nam trong khi anh chị em chúng tôi hiện đang định cư làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Bây giờ chúng tôi muốn bán căn nhà đó thì có nhất thiết phải về Việt Nam hay không?
Trả lời:
Theo khoản 1 Điều 65 Luật công chứng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền công chứng các hợp đồng giao dịch theo quy định của pháp luật này và pháp luật về lãnh sự, ngoại giao, trừ hợp đồng Mua bán nhà, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bất động sản, hợp đồng góp vốn bằng bất động sản, văn bản thoả thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản là bất động sản.
Như vậy, trong trường hợp này các anh chị có thể liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam ở nơi các anh chị cư trú để lập văn bản ủy quyền cho người đang ở trong nước làm thủ tục khai nhận di sản và sau đó làm thủ tục Bán nhà.
Nếu các anh chị có thể về Việt Nam thì các anh chị liên hệ với cơ quan công chứng để làm văn bản khai nhận di sản và sau đó làm thủ tục bán căn nhà.
Hỏi: Năm 1994, ba chồng tôi cùng người vợ sau (cô) và hai đứa con qua Mỹ định cư và có ý định bán ngôi nhà mà ông bà đang ở, tuy nhiên do không được giá nên ông muốn để căn nhà này lại cho một trong ba người con trước của mình.
Thời điểm đó, chỉ ông xã tôi có khả năng về tài chính nên đã đưa ba chồng tôi 2 lượng vàng để ông có thêm chi phí sang Mỹ và căn nhà được hiểu là của ông xã tôi dù không có giấy tờ gì chứng minh. Chúng tôi cũng đã ở đây 13 năm nay, thuế đất đóng đầy đủ và không ai tranh chấp.
Nguồn gốc của ngôi nhà cấp 4 này do ông ngoại (ba của cô) cho cô khi cô và ba chồng tôi lấy nhau. Mấy chục năm trước, miếng đất của ông ngoại rất lớn, ông đã chia nhỏ thành 7 miếng để chia cho 7 người con, trong đó có cô.
Hiện những người kia vẫn còn ở gần nhà chúng tôi đang ở, không có tranh chấp và tất cả đều đã làm xong chủ quyền nhà, trừ nhà chúng tôi do bắt đầu có tranh chấp của cô khi ba chồng tôi và cô ly dị. Hiện cô sống ở nước ngoài, ba chồng tôi cũng qua đời vào tháng 3 năm nay nên hiện mọi việc trở nên khó khăn hơn.
Nay chúng tôi đang muốn làm giấy chủ quyền nhà nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu và cần những giấy tờ gì? Liệu cô có đủ điều kiện để tranh chấp với chúng tôi? Mối quan hệ gia đình của cô hoặc anh/em của cô (đang sinh sống tại VN) có ảnh hưởng gì đến chuyện xin giấy chủ quyền nhà của chúng tôi? Rất mong được tư vấn. Chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Nếu chỉ có giấy tờ đóng thuế đất và hộ khẩu mà không có bất kỳ một loại giấy tờ nào liên quan đến căn nhà trên thì bạn sẽ không thể xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật hiện hành được do đang có tranh chấp.
Ngoài ra, việc người cô ở nước ngoài hay ở Việt Nam không ảnh hưởng đến quyền và điều kiện tranh chấp quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với căn nhà.
Như vậy, để có thể giải quyết tranh chấp, bạn có thể gửi đơn xin yêu cầu hòa giải đến UBND cấp xã/phường/thị trấn nơi có đất. Sau khi đã có biên bản hòa giải, bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến UBND đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi có đất để được giải quyết tranh chấp.
Lưu ý, trong trường hợp mảnh đất không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc về UBND cấp quận/huyện nơi có đất.
Hỏi: Tôi đứng tên trên giấy hồng căn nhà tôi đang sống. Hiện tôi sắp xuất cảnh định cư tại Mỹ nhưng vẫn muốn được giữ tên trên giấy hồng thì có được không? Cần làm các thủ tục gì? Liên hệ cơ quan nào?
Khi định cư tại Mỹ tôi vẫn xài passport do VN cấp vậy tôi còn quốc tịch VN không? Muốn giữ quốc tịch VN thì cần làm thủ tục gì? Liên hệ cơ quan nào? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định của Luật Quốc tịch Việt Nam, kể từ ngày 1-7-2009, công dân Việt Nam vì lý do nào đó mà có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam thì vẫn có quốc tịch Việt Nam. Vì vậy, trong trường hợp đã xuất cảnh và định cư tại Mỹ, bạn đương nhiên vẫn còn quốc tịch Việt Nam nếu chưa bị mất quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quốc tịch Mỹ, bạn hoặc cha, mẹ, hoặc người giám hộ của bạn phải thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ nếu ở nước ngoài, hoặc thông báo cho sở tư pháp nơi bạn cư trú về việc bạn có quốc tịch nước ngoài kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài.
Khi định cư tại Mỹ, bạn không cần phải đăng ký xin giữ tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở trong trường hợp đã sở hữu nhà tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo Điều 11 Luật Quốc tịch Việt Nam, một trong các giấy tờ sau đây có giá trị chứng minh người có quốc tịch Việt Nam:
1. Giấy khai sinh; trường hợp giấy khai sinh không thể hiện rõ quốc tịch Việt Nam thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam của cha mẹ;
2. Chứng minh nhân dân;
3. Hộ chiếu Việt Nam;
4. Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam, quyết định công nhận việc nuôi con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài, quyết định cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
Tư vấn Người nước ngoài bán nhà ở VN, Xin cấp chủ quyền cho nhà đất đang tranh chấp, Muốn giữ tên trên giấy hồng khi xuất cảnh
Hỏi: Cha mẹ chúng tôi có làm di chúc để lại cho chúng tôi một căn nhà tại Việt Nam trong khi anh chị em chúng tôi hiện đang định cư làm ăn sinh sống ở nước ngoài. Bây giờ chúng tôi muốn bán căn nhà đó thì có nhất thiết phải về Việt Nam hay không?Trả lời:Theo khoản 1 Điều 65 Luật công chứng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm