NhaDatVip.Com

Tư vấn Quyền yêu cầu bảo đảm thi hành án dân sự, hộ khẩu và chủ quyền nhà, Đòi tiền cho thuê nhà

Hỏi: Ông A bán cho tôi căn hộ tập thể với giá 1.200.000.000đ. Sau khi phát hiện ra căn hộ đó không thuộc sở hữu của ông A, tôi cũng không muốn Mua nhà nữa nên đã kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp.Toà án đã tuyên ông A phải trả cho gia đình tôi toàn bộ số tiền trên. Kể từ khi có bản án của toà, ông A mới

Hỏi: Ông A bán cho tôi căn hộ tập thể với giá 1.200.000.000đ. Sau khi phát hiện ra căn hộ đó không thuộc sở hữu của ông A, tôi cũng không muốn Mua nhà nữa nên đã kiện ra Tòa án để giải quyết tranh chấp.
Toà án đã tuyên ông A phải trả cho gia đình tôi toàn bộ số tiền trên. Kể từ khi có bản án của toà, ông A mới chỉ trả cho gia đình tôi được 500.000.000đ. Nay đã quá 1 năm ông A không trả hết số tiền còn lại.
Xin hỏi quy định nào của pháp luật để đảm bảo cho việc thi hành án, giúp tôi lấy được số tiền còn lại?
Trả lời:
Căn cứ bản án của tòa án, bạn cần làm đơn gửi cơ quan thi hành án cùng cấp đề nghị hoặc yêu cầu được thi hành án.
Tại Điều 66 - Luật Thi hành án quy định các biện pháp bảo đảm thi hành án: Chấp hành viên có quyền tự mình hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của đương sự áp dụng ngay biện pháp bảo đảm thi hành án nhằm ngăn chặn việc tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án. Khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, chấp hành viên không phải thông báo trước cho đương sự.
Người yêu cầu chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm không đúng mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp bảo đảm hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm: Phong toả tài khoản; Tạm giữ tài sản, giấy tờ; Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
Điều 71 - Luật Thi hành án cũng quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành án gồm: Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án; Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án; Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ; Khai thác tài sản của người phải thi hành án; Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ; Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định…

Hỏi: Chị cả tôi lấy chồng và đã có nhà riêng. Nhưng được một thời gian vì khó khăn quá nên vợ chồng chị bán đi. Sau khi Bán nhà riêng, vợ chồng chị tôi dọn về nhà mẹ tôi ở.
Nay thấy chật chội nên mẹ tôi yêu cầu chị dọn đi thì chị đòi chia lại phần mà chị có tên trong hộ khẩu. Mẹ tôi phải xử lý thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 24 Luật Cư trú, sổ hộ khẩu được cấp cho cá nhân hoặc hộ gia đình đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân. Như vậy, việc có tên trong sổ hộ khẩu không đồng nghĩa với việc có quyền sở hữu nhà.
Nếu căn nhà thuộc quyền sở hữu của người mẹ thì bà ấy có quyền cho hay không cho chị của anh ở nhờ. Nếu căn nhà thuộc sở hữu chung của cha mẹ mà cha đã mất không có di chúc thì người chị (và những người thừa kế theo pháp luật hàng thứ nhất của người chết) cùng có quyền thừa kế phần nhà thuộc sở hữu của người cha. Trong trường hợp này, nếu muốn trọn quyền sở hữu nhà, người mẹ phải thanh toán cho các người thừa kế khác phần giá trị nhà mà họ được hưởng.
Nếu không thể thỏa thuận về việc sử dụng (hay sở hữu) nhà, mẹ anh và người chị của anh có thể khởi kiện ra TAND cấp huyện để được xem xét, giải quyết.


Hỏi: Tôi có cho một công ty thuê hẳn căn nhà 4 tầng. Thời hạn thuê là 4 năm. Hợp đồng thuê nhà có công chứng. Vì nhà tôi ở xa nên tôi thu tiền nhà theo quý.
Hiện tại công ty đang gặp khó khăn trong kinh doanh nên tôi có cho họ nợ tiền thuê nhà trong 2 quý trước. Nhưng sau nhiều lần gọi điện nhắc nhở họ nộp tiền, tôi có đến tận nơi thì họ đã chuyển đi nơi khác mà không báo trước.
Chúng tôi không thể liên hệ với khách hàng này, cũng không biết hiện giờ họ đang ở đâu. Vậy tôi phải làm thế nào? Có thể gửi đơn ở đâu để giải quyết?
Mong các bạn tư vấn giùm. Số tiền họ nợ chúng tôi là khá lớn.
Trả lời:
Theo quy định của pháp luật thì khi khởi kiện nguyên đơn có nghĩa vụ cung cấp cho tòa án biết tên, địa chỉ của người bị kiện
Trong trường hợp người bị kiện bỏ trốn hoặc cố tình giấu địa chỉ dẫn đến người khởi kiện không thể cung cấp địa chỉ của người bị kiện cho tòa án, thì theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006:
- Trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho tòa án, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình dấu địa chỉ. Tòa án vẫn tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Tòa án cũng không được tự mình tiến hành thông báo tìm người bị kiện, vì đây là nghĩa vụ của đương sự.
- Trong trường hợp người khởi kiện không biết hoặc ghi không đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để ghi trong đơn khởi kiện, thì họ phải thực hiện việc thông báo tìm tin tức, địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, đối chiếu với quy định trên, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, bạn cần làm đơn khởi kiện và gửi đến tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn đóng trụ sở chính để được tòa án xem xét, giải quyết theo luật định. Kèm theo đơn kiện, bạn phải gửi các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.