Hỏi: Nhà tôi có ba người gồm tôi, mẹ và chị gái tôi. Lúc còn sống ba tôi có mua căn nhà bằng giấy tay ở Bình Chánh (Tp.HCM) và để hai chị em tôi cùng đứng tên trên giấy Mua bán nhà. Nay tôi đã dọn ra ngoài sống cùng chồng con (ở nhà thuê), để nhà đó cho mẹ và chị gái tôi sinh sống.
Giấy tờ mua Bán nhà hiện do mẹ và chị gái tôi đang giữ. Giờ tôi về nhà thì mẹ và chị gái tôi không cho vào nhà. Mẹ và chị tôi định bán hoặc thế chấp nhà đó mà không cần sự có mặt hay chữ ký của tôi. Hộ khẩu cả gia đình tôi xưa giờ vẫn ở quận 1 (nhà ở quận 1 vốn cũng là nhà tôi nhưng đã bán để chia đều cho ba tôi và các chú, bác) và chưa chuyển về nhà mới này.
Xin hỏi với tình trạng nhà giấy tờ tay như thế liệu có thể giao dịch, mua bán? Mẹ và chị gái tôi có cách nào tự bán hay cầm cố được nhà mà không cần có mặt tôi hay sự đồng ý của tôi? Nếu mẹ hoặc chị giả mạo chữ ký của tôi để giao dịch thì có được không?
Trả lời:
Theo thư của bạn, tôi hiểu rằng nhà của bạn đã được mua bằng giấy tay và chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở.
Theo Khoản 1 điều 91 Luật nhà ở, trong các giao dịch về mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế, thế chấp, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì nhà ở phải đủ các điều kiện sau đây: có giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở theo quy định của pháp luật; không có tranh chấp về quyền sở hữu; không bị kê biên để thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do căn nhà chưa được cấp giấy chứng nhận nên mẹ bạn không thể bán hoặc thế chấp nhà tại bất kỳ tổ chức tín dụng.
Trường hợp mẹ bạn bán nhà bằng giấy tay hoặc thế chấp nhà cho các tổ chức, cá nhân không có đăng ký hoạt động tín dụng theo quy định thì bạn có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo Điều 128 Bộ luật dân sự do vi phạm điều cấm của pháp luật.
Mọi trường hợp giả mạo giấy tờ hoặc chữ ký là trái pháp luật và có thể yêu cầu tòa án xét xử, tiến hành giám định để tuyên giao dịch vô hiệu.
Đối với tranh chấp về quyền sở hữu nhà, trường hợp các bên không thể tự thỏa thuận và UBND phường xã hòa giải không thành, một trong các bên có thể khởi kiện tại tòa án nhân dân quận nơi có nhà để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trong thư, bạn không nêu cụ thể thời gian mua nhà, song căn cứ theo nguyên tắc của pháp luật về hôn nhân và gia đình, căn nhà này lúc trước tuy do chị em bạn đứng tên trên giấy tay mua bán, song thực chất là mua bằng tài sản của cha bạn thì căn nhà này được xem là tài sản chung của cha mẹ bạn, mỗi người ½ giá trị tài sản.
Khi cha bạn mất đi, ½ căn nhà của cha bạn được xem là di sản thừa kế và sẽ được chia đều cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất là mẹ và hai chị em bạn, mỗi người 1/6 giá trị căn nhà.
Trân trọng.
Hỏi: Năm 1992, ông A có mua nửa công đất nền nhà của ông B, nửa phần còn lại ông B bán cho ông C. Trong lúc mua bán, có nhân chứng ở ấp, xã chứng.
Năm 1997 ông A hỏi ông B đưa sổ đỏ để tách ra, ông B nói đất chưa có sổ đỏ và bảo cứ ở đi khi nào có sổ đỏ sẽ đưa. Sau đó, khi ông A đi làm sổ đỏ thì ở xã cho biết miếng đất đã có sổ đỏ, do ông C đứng tên.
Ông A đã yêu cầu ông C đưa sổ đỏ để tách ra nhưng ông C không chịu. Ông đã làm tờ tường trình nhờ chính quyền giải quyết nhưng tới nay vẫn chưa nhận được lời giải thích nào từ chính quyền. Bây giờ ông A phải làm sao? Mong được luật sư tư vấn.
Trả lời:
Về việc tranh chấp đất đai:
Căn cứ Điều 136 Luật Đất Đai, khi tranh chấp về quyền sử dụng đất, nếu đương sự đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì do Tòa án giải quyết.
Căn cứ Điều 135 Luật Đai, khi các bên có tranh chấp về đất đai, nếu không tự hòa giải được, thì gởi đơn đến UBND cấp xã, phường nơi có đất tranh chấp để tiến hành hòa giải. Thời hạn hòa giải là 30 ngày làm việc, kể từ ngày UBND cấp xã nhận được đơn.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp sẽ thuộc về tòa án nhân dân nơi có đất bị tranh chấp, nhưng trước khi tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp, các bên phải thông qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã. Do đó, bà có thể liên hệ với UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để yêu cầu địa phương tiến hành thủ tục hòa giải cho các bên.
Kết quả hòa giải phải được lập thành biên bản và cấp cho các bên liên quan, để các bên liên quan có căn cứ yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp. Sau khi có kết quả hòa giải giải quyết tranh chấp, nếu các bên không tự giải quyết được, bà có thể nộp đơn khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền nơi có đất để xem xét giải quyết tranh chấp.
Về yêu cầu khởi kiện, bà có thể yêu cầu tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông C do cấp giấy chứng nhận không đúng với người sử dụng đất hoặc có thể làm đơn đề nghị cơ quan cấp giấy chứng nhận thu hồi giấy chứng nhận đã cấp nếu việc cấp giấy chứng chứng nhận cho ông C là trái pháp luật.
Trân trọng,
Hỏi: Ranh giới nhà tôi và nhà hàng xóm phía bên trái cách nhau một cống thoát nước công cộng (các hộ dân ở khu vực xung quanh vẫn xài chung), tôi vừa xin phép xây dựng lại nhà mới hoàn toàn và đã hoàn công.
Vì thấy nằm sát cống thoát nước công cộng nên tôi đã xây nhà nhỏ hơn diện tích đất của mình.
Nay nhà bên trái đã tự lót đan trên cống công cộng và trám ximăng liền vào phần đất còn lại của tôi để làm sàn nước và xây tường ngang trên cống công cộng dính liền vào vách tường nhà tôi. Tôi đã làm đơn khiếu nại lên UBND phường (từ ngày 15/11/2012) nhưng đến nay 10/1/2013 tôi mới nhận được thư mời của UBND phường, hẹn 15/1/2013 đến hòa giải. Tôi xin hỏi nhà kế bên trái xây dựng như vậy có vi phạm Luật đất đai không?
Trả lời:
Căn cứ Điều 265 Bộ Luật dân dự, người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác.
Căn cứ Điều 266 Bộ Luật dân sự, chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
Căn cứ Điều 107 Luật đất đai, người sử dụng đất có nghĩa vụ sử dụng đất đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ công trình công cộng…
Căn cứ các quy định nêu trên thì người hàng xóm của ông/bà chỉ được quyền sử dụng trong phạm vi ranh giới đất thuộc quyền sử dụng của họ, không có quyền sử dụng trên phần đất làm cống thoát nước công cộng và trên phần đất mà ông/bà đã tự lui vào khi xây dựng nhà mới, hành vi của chủ nhà kế bên tự lót đan trên cống công cộng và trám ximăng liền vào phần đất còn lại của ông/bà để làm sàn nước và xây dựng tường ngang trên cống công cộng dính liền vào vách nhà của ông/bà là vi phạm vào các điều 265, 266 Bộ Luật dân sự và Điều 107 Luật đất đai.
Trân trọng,