Tư vấn Xin cấp giấy chứng nhận nhà đất có tranh chấp, chia tài sản thế nào khi Mất di chúc của cha mẹ, Làm sao lấy lại đất đã mất
Tư vấn Xin cấp giấy chứng nhận nhà đất có tranh chấp, chia tài sản thế nào khi Mất di chúc của cha mẹ, Làm sao lấy lại đất đã mất, 148, Hữu Lợi, NhaDatVip.Com
, 06/07/2015 17:40:28Hỏi: Gia đình tôi đã ở ổn định trên lô đất ở xã Hiệp Bình Chánh (Thủ Đức, Tp.HCM) từ ngày mua trước năm 1993, có văn tự Mua bán nhà (đất) có xác nhận của UBND xã Hiệp Bình Chánh năm 1987.
Năm 1999, gia đình tôi có làm tờ khai đăng ký Nhà đất, có bản đồ hiện trạng của lô đất, trên bản đồ có ghi số thửa, số tờ. Như vậy có đủ để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Nếu được thì có phải đóng thuế?
Trong trường hợp bên bán đất (hàng xóm) gây khó dễ thì gia đình tôi có đảm bảo việc mua bán hợp pháp giữa ba tôi và bác ấy? Gia đình tôi phải làm thế nào để được UBND xã, phường... xác nhận không có tranh chấp vì trước đây nghe má chồng tôi kể họ có qua nhà tôi làm khó dễ một lần nhằm đòi lại đất nhưng không được do má tôi có văn tự mua bán nhà?
Mong được tư vấn. Xin cảm ơn và mong trả lời.
Trả lời:
Trường hợp thửa đất xin cấp giấy chứng nhận có tranh chấp thì UBND xã Hiệp Bình Chánh sẽ không có cơ sở để xác nhận là thửa đất không có tranh chấp cho đến khi bạn phải giải quyết xong tranh chấp đó.
Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, bạn có thể tham khảo điều 136 Luật đất đai. Cụ thể:
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được giải quyết như sau:
1. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 của Luật đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do tòa án nhân dân giải quyết;
2. Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 điều 50 của luật này được giải quyết như sau:
a) Trường hợp chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết; quyết định của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định giải quyết cuối cùng;
b) Trường hợp chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường; quyết định của bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường là quyết định giải quyết cuối cùng.
Trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (theo khoản 1 điều 50 Luật đất đai) đối với phần diện tích nhà và đất trên thì bạn sẽ không phải trả tiền sử dụng đất nhưng nộp lệ phí trước bạ theo quy định hiện hành.
Tuy nhiên cần lưu ý, nếu nguồn gốc nhà đất sử dụng từ trước ngày 17-10-1993 nêu trên là do lấn chiếm xây dựng nhà ở và nếu đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì bạn sẽ bị thu tiền sử dụng đất bằng 50% theo giá đất do UBND Tp.HCM quy định đối với phần diện tích đất trong hạn mức giao đất ở mới; thu bằng 100% theo giá đất ở do UBND Tp.HCM quyết định phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích ngoài hạn mức giao đất ở.
Bạn có thể liên hệ UBND quận Thủ Đức để được hướng dẫn cụ thể hơn.
Hỏi: Cha mẹ tôi có 3 người con. Năm 2005 và năm 2011 cha, mẹ lần lượt qua đời. Khi còn sống cha, mẹ tôi có lập di chúc có nội dung phân chia tài sản cho ba anh em chúng tôi...
Di chúc này hiện nay ba anh em chúng tôi không thể tìm được để thực hiện việc khai nhận thừa kế, vậy nếu di chúc mất thì việc phân chia thừa kế như thế nào?
Trả lời:
Trong trường hợp của bạn, nếu di chúc của cha, mẹ bạn được lập theo hình thức di chúc có công chứng, chứng thực thì có thể còn có bản di chúc được lưu giữ tại tổ chức hành nghề công chức, cơ quan chứng thực di chúc nên bạn có thể liên hệ để yêu cầu giao lại di chúc, công bố di chúc.
Tuy nhiên, nếu di chúc đã hư hỏng, thất lạc không thể tìm lại được thì theo quy định tại Điều 666 Bộ luật dân sự 2005: “Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp di sản chưa chia mà tìm thấy di chúc thì di sản được chia theo di chúc.”
Do vậy, nếu di sản thừa kế được chia theo pháp luật thì, theo hàng thừa kế thứ nhất sẽ được chia gồm có: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Những người thừa kế cùng hàng sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau. Trường hợp này, nếu cha và mẹ bạn không có ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất nữa mà chỉ có ba anh em bạn thì di sản của cha mẹ bạn để lại sẽ được chia đều cho ba anh em bạn.
Hỏi: Năm 1979, khu đất vườn nhà tôi do ông bà ngoại canh tác, sau đó ông bà ngoại tôi làm giấy ủy quyền lại cho mẹ tôi, mẹ tôi có đóng lệ phí đất hằng năm...
Sau đó, một phần đất của gia đình tôi đã bị 16 hộ gia đình lấn chiếm. Trong đó 15 hộ đã thỏa thuận và mua lại diện tích đất mà họ đang ở với mẹ tôi.
Duy chỉ có 1 hộ không chịu thỏa thuận hợp tình hợp lý, họ trả giá rẻ mạt diện tích đất đó. Mẹ tôi đã không đồng ý. Sau những lần thưa kiện không thành, mẹ tôi chỉ biết trông chờ vào những lần hòa giải tiếp theo.
Cán bộ địa chính thị trấn đòi mẹ tôi đưa giấy đỏ về phần đất đó nhưng lúc trước khi mẹ tôi đi đăng ký với cán bộ ấp thì họ không chịu đăng ký vì họ cho rằng đất đã có nhà ở là không đăng ký được. Khi đó cán bộ địa chính thị trấn đã nói rằng: nếu sau này phần đất đó được Nhà nước đền bù thì toàn bộ số tiền sẽ thuộc về mẹ tôi.
Tin vào lời của họ, mẹ tôi đã không đi khiếu kiện nữa. Hiện nay phần đất hộ gia đình đó đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi được hỏi thì cán bộ địa chính thị trấn nói là đã thông báo trên loa phát thanh thị trấn là công khai việc cấp giấy đỏ cho hộ gia đình kia, nếu không có ai khiếu nại gì thì việc cấp giấy đỏ sẽ được tiến hành. Nhưng gia đình tôi chẳng có hay biết gì cả ngay cả việc mời để ký bổ sung hồ sơ... Cho tôi hỏi phải làm sao để giành lại được đất đã mất?
Trả lời:
Tranh chấp đất đai trong trường hợp của bạn có tính chất phức tạp do các yếu tố lịch sử và cả thực trạng quản lý đất đai trong nhiều năm trước đây.
Theo thông tin bạn cung cấp, nếu mẹ bạn vẫn còn giữ một trong các loại giấy tờ thừa kế hay tặng cho từ thời ông bà bạn cùng với các biên lai hay một loại giấy tờ nào đó tương đương thì sẽ có cơ sở để chứng minh việc mẹ bạn đã có quyền sử dụng mảnh đất đó và đã đóng tiền sử dụng đất hằng năm vào thời điểm trước khi bị hộ gia đình đó lấn chiếm.
Tuy nhiên, trong thư bạn không nói rõ việc mẹ bạn xin cấp sổ đỏ cho miếng đất đó nhưng không được cấp là vào thời điểm nào. Và những lần thưa kiện và hòa giải giữa mẹ bạn và hộ gia đình đó có văn bản nào thể hiện điều đó hay không.
Việc cần làm bây giờ là gia đình bạn phải chứng minh được rằng mảnh đất đó thực tế đang bị tranh chấp (tất nhiên là phải có bằng chứng cho việc này) thì bạn mới chứng minh được có hay không việc làm sai trái trong việc xác nhận mảnh đất được sử dụng ổn định từ năm 1979 của cán bộ địa chính.
Nếu chứng minh được những điều trên thì theo quy định tại Điều 136 Luật đất đai 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, gia đình bạn có quyền khiếu nại lên chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (nếu các bên không hòa giải được).
Nếu các bên không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết, quyết định của chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là quyết định cuối cùng.
Từ những phân tích trên, bạn xem xét mọi vấn đề để có quyết định đúng đắn nhé!
Trân trọng,
Tư vấn Xin cấp giấy chứng nhận nhà đất có tranh chấp, chia tài sản thế nào khi Mất di chúc của cha mẹ, Làm sao lấy lại đất đã mất Tư vấn luật nhà đất